Từ tổ hợp sản xuất nhỏ bé đến công ty top đầu trong kinh doanh
Để nói về sự hình thành và phát triển của một con người là không dễ, huống hồ đây là cả quá trình phát triển của một công ty. Năm 1986, khi đất nước ta có chủ trương mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân thành lập, Đảng cũng bắt đầu chú ý đến vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân đến việc hình thành và phát triển đất nước, thì các thành phần kinh tế cũng dần được hình thành. Thời đó, giữa sự chuyển đổi có tính quyết định, thay đổi bộ mặt nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một tổ hợp sản xuất đã ra đời.
Khi đó, ông Vũ Quang Khánh (chủ tịch HĐQT công ty Goldcup hiện tại) cùng một vài người bạn thân cận, thành lập nên tổ hợp tác nhỏ mang tên Phương Đông, chuyên về gia công cơ khí nhẹ. Tổ hợp được thành lập năm 1988, địa chỉ ở huyện Gia Lâm, chuyên cung cấp các sản phẩm cơ khí dân dụng cho người dân ở miền Bắc như vành xe, vỏ phanh xe… Không dừng lại ở đó, cùng với sự phát triển kinh tế nước nhà, năm 1990, tổ hợp tác nhỏ bé này đã chuyển đổi sang ngành nghề sản xuất dây điện dân dụng. Đầu tư để có các dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp như máy kéo dây đồng, máy bện dây đồng và máy bọc dây đồng, tổ hợp đã cung cấp số lượng vật liệu, thiết bị cho nhiều công trình xây dựng. Nhưng chỉ bốn năm sau đó, tổ hợp tác Phương Đông đã giải thể.
Ông Vũ Quang Khánh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Ngọc Khánh
Việc giải thể này là nền móng thành lập nên công ty TNHH Ngọc Khánh, chuyên sản xuất, kinh doanh dây cáp điện - lĩnh vực mà doanh nghiệp sẵn có nền tảng cơ sở sản xuất, kỹ thuật và kinh nghiệm thị trường nhất định từ những năm trước đó. Hướng đi là vậy song Ngọc Khánh còn cần phải tiếp tục tìm hướng đi để giải các bài toán đầu tư khác như về vốn, quy mô và đặc biệt là công nghệ sản xuất. Chính vì thế, những người đứng đầu công ty, trong đó có ông Vũ Quang Khánh đã có một quyết định có thể coi là đi trước thời đại lúc bấy giờ.
Không muốn dừng lại ở việc sản xuất thủ công, ông Khánh cùng các kỹ sư cơ khí đã sang Hàn Quốc để tìm hiểu về thị trường dây cáp điện của các công ty thương mại. Đó là những năm 1998 - 1999, khi nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu khủng hoảng và Hàn Quốc cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Nhận thấy công nghệ sản xuất phù hợp với điều kiện Việt Nam cũng như của công ty, đồng thời “chớp” lấy cơ hội từ các nhà máy doanh nghiệp đang điêu đứng, ông Khánh đã quyết định rất nhanh chóng: mua dàn máy bọc dây điện và cáp điện, cụ thể là máy kéo nhiều sợi, máy bện 19 sợi, đồng thời gia công trong nước máy bện cáp 3, 4 ruột… để hoàn thiện đầy đủ dây chuyền sản xuất, phát triển ngành dây cáp điện.
Mặt trước tòa nhà văn phòng Ngọc Khánh hiện nay
Bên cạnh đó, công ty TNHH Ngọc Khánh cũng triển khai để hiện thực hóa ước mơ trong ngành dây và cáp điện. Ông Khánh chia sẻ: Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, việc sản xuất sớm đi vào hoạt động cũng một phần là nhờ cái “duyên”, cái “may”. Bởi khi dự án được đưa ra, nhiều đối tác đã rất ủng hộ, sẵn sàng góp vốn đầu tư. Và khi địa điểm ở số 37 Nguyễn Sơn, quận Long Biên đã quá nhỏ bé với ước mơ đang ngày một lớn lao, thì tỉnh Hưng Yên đã mở rộng vòng tay chào đón Ngọc Khánh về, xây dựng nên các khu công nghiệp, xưởng sản xuất với diện tích tổng cộng lên tới gần 15ha. Đó là nhà máy Dây và Cáp điện hạ thế (2002), nhà máy Cáp hàn và Cáp cao su (2005), nhà máy Dây điện Ô tô (2007). Đây là những gì mà Dây và Cáp điện Goldcup có được như chúng ta thấy ngày nay.
Tổ hợp nhà máy tại Khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên
Từng bước một, công ty Dây và Cáp điện Goldcup đã chứng minh sự trưởng thành của mình, gắn liền với sự lớn mạnh trong lĩnh vực dây và cáp điện. Không chỉ hợp tác hơn 10 năm với Tập đoàn YAZAKI là tập đoàn cung cấp đến 1/3 dây điện ô tô cho thế giới, Goldcup còn hợp tác với những đối tác lớn như công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Vinaconex, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Petrolimex, Điện lực Hà Nội… để cung cấp các sản phẩm mang thương hiệu Goldcup đến các công trình toàn quốc. Dây chuyền sản xuất của Goldcup được cấp chứng chỉ ISO 9001:2008, đảm bảo các thông số kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Không chỉ khẳng định được vị thế tại thị trường nội địa, thương hiệu dây và cáp điện này còn vươn tới các thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore….
Với uy tín ngày càng hoàn thiện, sản phẩm của Goldcup bán ra thị trường ngày càng tăng, nhờ đó mà sản lượng cũng tăng theo từng năm: năm 2008 là 200 tấn đồng/tháng, năm 2010 là 400 tấn đồng/tháng, năm 2012 - 2013 là 600 tấn đồng/tháng, năm 2014 - 2015 là 800 tấn đồng/tháng, năm 2016 - 2017 là 1000 tấn đồng/tháng. Bên cạnh đó, công ty nói chung và ông Vũ Quang Khánh nói riêng còn nhận được nhiều bằng khen từ Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ.
Tinh thần samurai trong từng hành động
Từ samurai có gốc từ chữ saburau, chỉ những người có xuất thân quyền quý, được giao trọng trách bảo vệ cho triều đình. Trách nhiệm này chính là nền tảng của những võ sỹ samurai cao quý - một biểu tượng của đất nước mặt trời mọc, cũng là quê hương của đối tác lâu năm nhất với Dây và Cáp điện Goldcup - Tập đoàn YAZAKI Nhật Bản. Không phải ngẫu nhiên mà chặng đường phát triển của Goldcup lại mang đậm tinh thần samurai cao quý, bởi ngoài việc kinh doanh, công ty còn hiện lên như một doanh nghiệp chính trực, với nhiệm vụ phát triển ngành dây cáp điện của đất nước, mang đến nguồn sáng, nguồn điện đến khắp mọi nơi, cho mọi nhà.
Có một samurai nổi tiếng đã nói rằng: “Công lý chính là khung xương đầy vững chãi. Không có khung xương đó, đầu không thể trụ, tay không thể chuyển, chân không thể vững”. Đối với Goldcup, công lý giúp họ có được sức mạnh để có được những quyết định đúng đắn, hành động kịp thời. Công lý đó là ước mong thay đổi đất nước khi còn nghèo khó, là khao khát vươn ra biển lớn, đưa những gì “họ làm được mà mình chưa làm được” về quê nhà để thay đổi tình hình đất nước. Công lý đó là ước mong một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người Việt Nam - những người đi qua chiến tranh, chịu cảnh lầm than và cần lắm những sự đổi mới. Công lý đó là tinh thần khởi nghiệp của chính Goldcup.
Và thực sự là Goldcup đã can đảm để hành động. Dám đương đầu với những bài toán về doanh số, vốn đầu tư, công nghệ sản xuất cùng việc hợp tác với một trong những tập đoàn lớn nhất nhì Nhật Bản, để tự rèn giũa doanh nghiệp đạt được những phẩm chất tốt từ nước bạn, từ đó giúp cho sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn. Những năm 1999 - 2000, những người nghĩ đến việc nhập khẩu hẳn là những người đi đầu, dám nghĩ, dám làm để mang công nghệ vào với đất nước, thay đổi cục diện hiện đại hơn.
Công đoạn giám sát sản phẩm
Một thương hiệu khẳng định được trên thị trường chỉ khi nó đảm bảo về chất lượng và giá thành hợp lý. Đó chính là sự trung thành với người dân và sự thể hiện hình ảnh doanh nghiệp chuyên nghiệp đến với các khách hàng nước ngoài. Từ nhận thức đó, Goldcup luôn nỗ lực cho ra những sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Với 03 nhà máy cùng nằm ở tỉnh Hưng Yên là Nhà máy Dây và Cáp điện Hạ thế, Nhà máy Dây điện Ô tô và Nhà máy Cáp hàn và Cáp cao su, công ty có đủ năng lực và điều kiện để cung cấp sản phẩm dây điện, cáp điện đến với những công trình, tiêu biểu là chung cư Mandarin Garden, nhà ga T2 sân bay Quốc tế Nội Bài, các công trình của Bộ Quốc Phòng, bộ dây điện cho ô tô hãng TOYOTA, NISSAN, MAZDA và MITSUBISHI… cùng rất rất nhiều dự án khác.
Một điều không thể không nhắc đến là yếu tố con người. Hiện nay, Goldcup đã có trên 500 công nhân viên chức. Tất cả mọi người đều luôn cố gắng trong vị trí của mình, bởi họ biết họ đang được kế thừa những gì. Dù đã làm việc lâu năm hay mới bắt đầu vào tập đoàn, những “chiến binh” của công ty cũng ý thức được nguồn gốc của bản thân: là người Việt với tinh thần Nhật Bản. Đó chính là nhân cách.
Một công ty được tin dùng và tồn tại lâu dài không bởi nó nổi tiếng như thế nào, mà là những phẩm chất nào của công ty khiến các đối tác, khách hàng có thể tin tưởng được. Và Dây và Cáp điện Goldcup đã chứng minh xuất sắc điều đó. Sự nỗ lực vươn lên cùng những điều học hỏi quý báu đến từ công nghệ nước ngoài đã giúp Goldcup có được chỗ đứng như ngày hôm nay, và sẽ còn tiếp tục tiến lên, rèn giũa tinh thần samurai mà chính bản thân đã học hỏi được.
Theo dantri.com.vn
Bài viết trên trang Dân trí